Đối với Viettel, sự tin cậy và hài lòng của khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững!

20 năm Internet Việt Nam: Giấc mơ thành hiện thực của trường học nơi biên giới

29-11-2017 | TIN TỨC VIETTEL
20 năm trước, Internet với tốc độ "rùa bò" của dịch vụ dial up vẫn là "một điều kỳ diệu" với những thị dân sành điệu ở thành phố. Giờ đây, cả những trường học vùng biên giới xa xôi ở tỉnh Gia Lai cũng đã được phổ cập Internet băng rộng, đi kèm với những thay đổi rất lớn.


Trường THCS Chu Văn An đã có những bước chuyển mình không nhỏ kể từ khi áp dụng Internet vào học tập và quản lý.

Trường THCS Chu Văn An (Xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cách trung tâm thành phố Pleiku 80 km. Đây là một ngôi trường thuộc vùng ven biên giới Việt Nam – Campuchia, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng cách đây 7 năm, Internet băng rộng đã được phổ cập nhờ chương trình “Internet trường học” của Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel). “Có mạng”, cách dạy học của giáo viên thay đổi, cách học của các em học sinh cũng không giống ngày xưa.Hiệu quả tích cực là điều nhận thấy rõ nét nhất.

Rất nhiều những khái niệm mới lạ kể từ khi “có mạng về trường” mà học sinh vùng biên giới mới được biết đến. Khi hệ thống wifi phủ toàn trường, ngồi ngoài sân, các thầy cô giáo cũng có thể truy cập Internet để dạy cho học sinh. Một thế giới kiến thức rộng lớn đã mở ra trước mắt những đứa trẻ vốn trước kia chỉ biết đến núi rừng, con suối và ngôi nhà sàn…

Đoàn công tác đến trường Chu Văn An đúng giờ ra chơi giữa giờ, thời điểm sân trường chỉ có tiếng nô đuà của học sinh, điểm xuyết vài vị trí có những nhóm nhỏ đang tập văn nghệ. Những bài hát phụ họa vọng ra từ những chiếc loa cắm trực tiếp trên chiếc laptop được để trên ghế.Nhiều năm trước “hệ thống” tập văn nghệ sẽ là 1 máy phát nhạc bằng băng đĩa, thậm chí tập chay.

“Bài nhạc này chúng cháu đang bật trực tiếp trên Youtube ạ”, một thành viên trong tốp tập văn nghệ vui vẻ cho chúng tôi biết.

Tiết học ngoại khóa trên sân trường.

Cách đó không xa, 1 nhóm học sinh đang tập võ.Điều thú vị là đạo cụ giảng dạy của thầy giáo cũng là 1 chiếc laptop. Thầy Nguyễn Văn Tuy – giáo viên thể dục của trường, cho biết: “Từ khi có mạng Viettel về đây, tôi đã làm giáo án điện tử, vừa thuận tiện cho việc giảng dạy một cách trực quan, vừa sửa đổi lẫn báo cáo Ban giám hiệu dễ dàng. Học sinh học qua hình ảnh minh họa sinh động nên động tác chuẩn hơn, đúng và đẹp hơn. Khi có việc đột xuất, tôi chỉ cần bật lại bài giảng trên máy tính và các em có thể xem và tự học được”.

Trong khi đó, thầy Vũ Minh Tuyền rất phấn khởi nói về tác dụng của Internet với môn tiếng Anh mình dạy: “Trước kia bài giảng rất khô khan chỉ có thầy với trò ngồi nói với nhau.Khi có Internet, tôi có nhiều hướng để giảng dạy thông qua những trò chơi có liên quan đến môn học được tham khảo, chắt lọc trên mạng. Học sinh cũng thay đổi cách học, khi đã tự mày mò tự tìm phương pháp phát âm hợp với mình nhất, thông qua những hình ảnh sinh động”.

“Internet về trường” đồng nghĩa đi kèm với cơ sở hạ tầng là phòng máy tính. Dù ở ven biên giới nhưng trường Chu Văn An cũng được trang bị 20 chiếc máy tính nối mạng Internet băng rộngmiễn phí của Viettel, giúp các em học sinh tiếp cận với nhiều thông tin hữu ích trên mạng.


Học sinh từ lớp 6 được phổ cập tin học.

Giáo viên dạy môn Tin học của trường, thầy Lê Hà Minh Quân chia sẻ: Cách dạy học và cách học đã thay đổi rất nhiều. Như môn học của tôi, ngoài việc tìm hiểu toàn bộ máy tính, đầu tiên các em sẽ được tiếp xúc với thư điện tử, sử dụng, tải tài liệu nhà trường gửi cho các em. Các bài thi sẽ được gửi qua thư điện tử và thầy giáo chấm trực tiếp.

Hàng năm, Bộ có phát động các cuộc thi như giải toán trên mạng thì các em cũng được tạo điều kiện về thời gian để tiếp xúc và tham gia”.

Nói về công tác quản lý nhà trường, thầy Phó hiệu trưởng Đặng Văn Hà cho rằng: “Từ khi có Internet về hỗ trợ cách quản lý và học tập, việc báo cáo, cập nhật thông tin 2 chiều giữa phụ huynh với nhà trường hay nhà trường với cấp trên rất nhanh và kịp thời. Đặc biệt việc sao lưu điểm số, thông tin học sinh, tình trạng học tập của học sinh đã được đơn giản hóa nhưng mức độ hợp lý và khoa học thì tăng lên. Với hệ thống mạng nối bộ, chúng tôi có thể nắm bắt được tất cả một cách dễ dàng thay vì những tài liệu giấy thô sơ như trước.

Giáo viên vào điểm lên website trường.

Việc học của các em được hộ trợ mạnh, từ các cuộc thi Oplympic đến những tài liệu trên mạng giúp chất lượng học tập được cải thiện đáng kể. Đã có học sinh được giải huyện, giải tỉnh dù là các em ở vùng sâu vùng xa”.

Bên cạnh đó, hàng tháng, trường cũng có những lớp tập huấn trực tuyến cho thầy cô giáo nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao tay nghề, nắm bắt kịp thời những quy định mới của Bộ một cách nhanh chóng.

Thu hẹp khoảng cách giữa phụ huynh với nhà trường

Nếu như trước kia, việc trao đổi quá trình học tập của học sinh giữa nhà trường và phụ huynh tồn tại nhiều bất cập thì từ khi có Internet, nhà trường đã được cung cấp công cụng quản lý. Từ đó, “thông tin liên lạc” diễn ra nhanh chóng và liên tục. Phụ huynh có thể thông qua website của nhà trường để tra cứu điểm số, tình hình, kết quả học tập của con cái qua từng tháng, thậm chí từng ngày.

Giờ học nhạc, thầy cô giáo cho học sinh mượn điện thoại để học lời trên các trang nghe nhạc trực tuyến.

Đứng chờ con tan học ngoài cổng trường, cô Phùng Nông Anh chia sẻ: “Cháu lớn trước kia dùng sổ liên lạc nhưng mưa năng thất thường làm nó bị ẩm mốc, thi thoảng còn thất lạc. Nhưng bây giờ, vào mạng của trường là có thể xem được kết quả học tập của cháu. Những nhắc nhở của cô trong ngày cũng được ghi nhận trên đó cả, rất tiện lợi”.

Những thay đổi đang diễn ra với Internet băng rộng ở trường Chu Văn An (tỉnh Gia Lai) giống như một giấc mơ nếu tính đến vị trí của ngôi trường này. Ở vùng heo hắt của một tỉnh miền núi, trước khi được Tập đoàn Viettel “kéo dây mạng”, rất ít người nghĩ đến những phương pháp dạy, học hiện đại như thầy trò trường Chu Văn An đang thực hiện bây giờ.

Sự hiện diện của hạ tầng mạng băng rộng cùng nhiều ứng dụng giáo dục hiện đại đã giúp cho ngôi trường có tên nhà giáo Chu Văn An ở xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cũng có được những phương pháp dạy và học mới nhất, không khác gì ngôi trường có cùng tên ở thủ đô Hà Nội. Và nếu so sánh với cách đây 20 năm, khi Internet với tốc độ “rùa bò” của dịch vụ dial-up vẫn là một điều kỳ diệu của thị dân sành điệu ở thành phố, thì câu chuyện của trường Chu Văn An của xã IaO (Gia Lai) là một giấc mơ đã trở thành hiện thực.

Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, chương trình “Internet trường học” chỉ là một phần trong chiến lược đưa Internet đến với mọi người dân của Tập đoàn Viettel. Bên cạnh lĩnh vực giáo dục, Viettel còn kết nối Internet cáp quang miễn phí tới 243 trạm y tế xã/phường, Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh. Đây là hạ tầng quan trọng để y tế cơ sở tại Gia Lai thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh.

Thiếu tá Võ Trần Trung - Phó Giám đốc Khách hàng cá nhân, chi nhánh Viettel Gia Lai, cho biết thêm, với hạ tầng Internet băng rộng di động, Viettel đã đầu tư 519 trạm 3G, 508 trạm 4G và là đơn vị dẫn đầu về hạ tầng viễn thông tại Gia Lai.

Thay đổi lớn tại trường Chu Văn An (Xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) là một ví dụ thành công điển hình của chương trình “Internet trường học” mà Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) thực hiện từ năm 2008. Chỉ trong vòng gần 3 năm, Viettel đã hoàn thành đưa Internet miễn phí tới 29.559 cơ sở giáo dục, 100% các trường học vào tháng 12/2010;trong số đó có tới 72% được kết nối băng rộng.

Nếu chỉ nhìn các con số trên, nhiều người có thể chưa hình dung hết sự thay đổi mà chương trình này đem lại. Tại nước Mỹ, tới tận năm 2013, khi tuyên bố nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Mỹ Obama (khi đó) chỉ đưa ra cam kết, đến cuối nhiệm kỳ của mình sẽ đưa được Internet băng rộng đến 15.000 trường học của Mỹ (Viettel đưa Internet băng rộng miễn phí tới hơn 20.000 trường chỉ trong gần 3 năm và thực hiện xong từ năm 2010).

Ictnews.vn