Đối với Viettel, sự tin cậy và hài lòng của khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững!

Viettel đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội

15-01-2018 | TIN TỨC VIETTEL
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức được Chính phủ công nhận là doanh nghiệp Quốc phòng An ninh và đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

Viettel đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội

Chính phủ vừa Chính phủ vừa đồng ý cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức là doanh nghiệp Quốc phòng An ninh và đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Tập đoàn Viettel) mới được Chính phủ ban hành thì Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trực thuộc Bộ Quốc phòng; chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương; thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng đặc biệt do Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Viettel được Nghị định quy định rõ: Về quốc phòng, an ninh, Viettel trực tiếp xây dựng quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông bảo đảm hạ tầng mạng lưới viễn thông của Viettel làm nhiệu vụ vu hồi, dự phòng cho mạng thông tin quân sự trong thời bình và chuyển sang phục vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống; sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc khi có yêu cầu và đảm bảo nhiệm vụ thông tin quân sự khác; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa sản phẩm, trang thiết bị, khí tài, vật tư quốc phòng theo yêu cầu, nhiệu vụ của Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao.

Hồi tháng 6/2017, Tổng giám đốc Viettel Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng trở thành Tổng giám đốc doanh nghiệp đầu tiên được chỉ định làm Ủy viên Quân ủy Trung ương. Theo quyết định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015- 2020 gồm 23 người. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Quân ủy Trung ương Việt Nam là cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, là cơ quan nghiên cứu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; kế hoạch phòng thủ đất nước; phương hướng và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; cơ chế lãnh đạo của Đảng với Quân đội nhân dân. Trung ương Quân ủy (tên đầu tiên của Quân ủy Trung ương) được Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập tháng 1/1946, để lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt lực lượng vũ trang nhân dân nhằm đối phó với thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả của cách mạng, ngay sau khi giành được chính quyền.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Viettel đang đặt mục tiêu là tổ hợp công nghệ quốc phòng công nghệ cao vào 2020. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nghiên cứu, sản xuất thiết bị được coi là trụ cột thứ 3 trong chiến lược phát triển của Viettel, bên cạnh 2 trụ cột khác là viễn thông trong nước và viễn thông nước ngoài; Đã sản xuất và đưa vào sử dụng một số thiết bị viễn thông chủ chốt, các phần mềm viễn thông, phần mềm quản lý; Đã làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị, khí tài quân sự, bước đầu tạo nền tảng cho việc hình thành một tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Những năm qua, Viettel đã thay đổi rất nhiều, từ tầm vóc, quy mô, kinh nghiệm, đến tiềm lực vật chất và con người. Nhưng có một điều đã và sẽ không hề thay đổi: Đó là khát vọng Viettel luôn cháy không ngừng. Viettel đặt mục tiêu trở thành một tập đoàn công nghiệp, viễn thông toàn cầu hùng mạnh, không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT mà sẽ tham gia vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao.

“Chúng ta đã hoàn thành xong mục tiêu, mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động, mục tiêu tiếp theo là mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc điện thoại di động thông minh. Đó sẽ không chỉ là phương tiện kết nối mà còn là công cụ để người dân giải trí, học tập và kiếm sống nữa. Và điều này cũng sẽ được thực hiện tại tất cả các thị trường của Viettel. Tương lai chúng ta muốn là sự bình yên cho con cháu chúng ta, bằng cách phải sản xuất được vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao, đủ sức răn đe và bảo bệ hòa bình lâu dài cho đất nước của chúng ta. Tương lai chúng ta muốn là một Viettel trường tồn để chúng ta và nhiều thế hệ con cháu chúng ta sẽ vẫn tiếp tục xây đắp tiếp ước mơ làm phẳng thế giới, kết nối con người với con người… Nhưng, chúng ta không ảo tưởng về nhiệm vụ phía trước của mình. Len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống bằng một cách làm khác biệt, cạnh tranh với những tên tuổi lẫy lừng trên thế giới, góp phần làm phẳng và bảo vệ thế giới. Không điều nào trong số này là dễ dàng. Nhưng, không điều gì có giá trị trong cuộc sống mà lại dễ dàng cả. Biện pháp tốt nhất để đảm bảo tương lai của chúng ta là tự tạo ra tương lai cho mình”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Ictnews.vn