Viettel đưa triển lãm ITU 2020 tại Việt Nam trở thành sự kiện đặc biệt như thế nào?
Khai mạc chiều tối 20/10 nhưng quá trưa cùng ngày, Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC) không khác biệt mấy so với ngày thường. Nếu không có tấm phông lớn đặt phía ngoài, nhiều người sẽ không biết đây là nơi nước chủ nhà Việt Nam tổ chức hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020. Bên trong, mọi công tác chuẩn bị đều tập trung ở hội trường lớn, nơi diễn ra buổi lễ khai mạc.
Người dùng trên khắp thế giới có thể tham qua ITU 2020 với gian hàng thực tế ảo cùng nền tảng 3D.
Trước những tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, nước chủ nhà Việt Nam đã chủ động đề xuất tổ chức ITU 2020 theo hình thức trực tuyến. Nhiệm vụ hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị đồng tổ chức sự kiện cùng với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), được giao cho tập đoàn Viettel.
Với những kinh nghiệm khi là chủ nhà của APEC 2017, hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 và hội nghị cấp cao ASEAN và ASEAN+3 năm 2020, Việt Nam, dù lần đầu đăng cai tổ chức, vẫn sẵn sàng cho một hình thức chưa từng được áp dụng trong suốt gần nửa thế kỷ lịch sử của ITU.
Với Platform 3D, công nghệ 100% Make in Việt Nam, do các kỹVietteltùy biến đã tạo nênnhững gian hàng ảo 3D đầu tiên tại ITU 2020. Với thiết bị kết nối Internet, người dùng có thể thăm các gian hàng một cách trực quan như đang trực tiếp có mặt. Kính thực tế ảo (VR) sẽ giúp mang lại những trải nghiệm hoàn hảo nhất.
Những thông tin về gian hàng sẽ được hiển thị đầy đủ ở những vị trí hợp lý, giúp người dùng nhanh chóng tìm ra thứ họ quan tâm. Về mặt hình ảnh, gian hàng ảo 3D mang tới những trải nghiệm đầy đủ nhưng mới lạ và thú vị cho người thăm quan. Cách dự triển lãm này giúp ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ virus corona lây lan vì không cần tiếp xúc với người khác trong quá trình tham quan.
Bên cạnh đó, việc áp dụng gian hàng ảo 3D cũng tiết kiệm toàn bộ chi phí xây dựng một gian hàng thật tại triển lãm. Một số tiền khổng lồ cũng sẽ được tiết kiệm từ các khoản chi cho sự kiện thông thường.
Gian hàng của Viettel là một ví dụ điển hình cho công nghệ triển lãm ảo tại ITU năm nay. Xuất hiện với nền xanh cùng dòng chữ “Viettel kiến tạo xã hội số” bằng tiếng Anh, người dùng chỉ cần 1 click để bắt đầu trải nghiệm. Mang đến với triển lãm hàng loạt các giải pháp như B2G (Giải pháp cho Chính phủ); B2B (Giải pháp cho Doanh nghiệp) và B2C (Giải pháp cho người dùng), gian hàng của Viettel mang tới thế giới cái nhìn toàn cảnh nhất về công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.
Gian hàng thực tế ảo tại ITU Virtual Digital World 2020.
Theo đó, hệ sinh thái số mà Viettel đưa tới ITU gồm nhiều sản phẩm số đã thành công và đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo xã hội số tại Việt Nam như: Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc – eCabinet; Nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth; Nền tảng Điện toán đám mây vCloud; Hệ thống chặn cuộc gọi rác Antispam Call; Hệ sinh thái thanh toán điện tử ViettelPay; Mạng xã hội học tập ViettelStudy…
Bên cạnh Viettel, gian hàng chính của Việt Nam cùng 5 doanh nghiệp công nghệ lớn khác là VNPT, CMC, Vsmart, BKAV và FPT cũng được xây dựng theo hình thức 3D.
Việc tổ chức triển lãm trực tuyến với các gian hàng ảo trên nền tảng 3G của Viettel ở ITU 2020 năm nay có thể trở thành lực đẩy, thậm chí là chuẩn mực mới cho các cuộc triển lãm trực tuyến khác trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Dễ dàng nhận ra những nét đặc trưng lướt qua gian hàng của các quốc gia khác nhau. Trong khi Hàn Quốc chọn cho mình một background hiện đại thì Nhật Bản lại đưa lên gian hàng những hình ảnh đặc trưng trong văn hóa đất nước. Những công trình tôn giáo nổi tiếng hay Quốc hoa champa (hoa đại) cũng xuất hiện ở gian hàng của Lào.
Đại diện của Viettel cho biết, từ lúc nhận nhiệm vụ tới lúc hoàn thành sản phẩm chỉ vỏn vẹn 1 tháng. Bên cạnh sự gấp rút về mặt thời gian, những yêu cầu liên tục thay đổi khiến khối lượng công việc càng trở nên lớn hơn. Do sự kiện diễn ra trên quy mô toàn cầu nên phía Viettel cũng nhận yêu cầu chuẩn bị sẵn tài nguyên để đáp ứng lượng truy cập không giới hạn. Điều này yêu cầu đội ngũ kỹ thuật phải liên tục kiểm tra, liên tục thay đổi cho phù hợp.
Trong khi đó, các kỹ sư Viettel cũng chưa có kinh nghiệm về triển lãm 3D như làm Hội nghị trực tuyến. Thế nhưng, chỉ trong 1 tháng, các kỹ sư Viettel đã làm được. Ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions – một thành viên của Tập đoàn Viettel chia sẻ: “Đội ngũ kỹ sư của Viettel tự tin có thể xây dựng một platform vừa tích hợp được toàn bộ yêu cầu của triển lãm offline, vừa đáp đáp ứng các tính năng, thậm chí còn ưu việt hơn các hội nghị online được tổ chức mới đây”.
Theo ông Phong, tại triển lãm online mới đây như GSMA (Thượng Hải), ban tổ chức cho đăng ký tham gia, tổ chức các phiên họp chuyên đề qua hình thức trực tuyến và networking. Với triển lãm Connect Tech của ASEAN tổ chức tại Singapore, triển lãm cũng có tính năng 3D nhưng khi làm, họ phải tích hợp sản phẩm của rất nhiều đối tác công nghệ khác để tạo ra một nền tảng. “Riêng với ITU 2020 do Việt Nam tổ chức, nền tảng do Viettel phát triển cho phép các công ty tham gia triển lãm hoàn toàn có thể tự thiết kế gian hàng 3D”.
Chia sẻ về công tác tổ chức ITU 2020, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phan Tâm nói: “Những năm qua, Việt Nam là ngôi sao đang lên về công nghệ nhưng trong mắt nước khác thì Việt Nam vẫn chỉ là địa chỉ gia công. Cùng những sản phẩm Make in Vietnam, chúng ta muốn thế giới thay đổi nhận định của thế giới về Việt Nam, quốc gia đang tiến nhanh trên con đường làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ”.
Ictnews.vn