Viettel tuyên bố "không bán sản phẩm, chỉ cung cấp dịch vụ"
Viettel cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những lợi thế của Viettel là việc sở hữu cơ sở hạ tầng viễn thông rộng khắp, bao gồm 67.000 trạm phát sóng (đáp ứng hơn 700 trạm/1 triệu dân trong khi trung bình thế giới là 200 trạm/1 triệu dân) và hơn 231.000 km cáp quang - lớn nhất Đông Nam Á. Nhân sự kỹ sư phần mềm chất lượng cao của Viettel là 3.000 người, với tư duy người làm phần mềm phải hiểu rõ người sử dụng phần mềm để “may đo” các sản phẩm đúng nhu cầu của khách hàng.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ của Viettel
Điểm khác biệt trong cách tiếp cận lĩnh vực CNTT của Viettel là chiến lược “không bán sản phẩm mà là cung cấp dịch vụ”. Quyết định chấp nhận rủi ro đầu tư trước để các ngành, các tổ chức của Việt Nam dùng thử là nhằm xây dựng môi trường và hệ sinh thái để thúc đẩy các ngành cùng phát triển. Cụ thể, Viettel đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trước, phát triển các phần mềm tiện ích và cung cấp cho khách hàng dưới dạng dịch vụ. Cách thức này tạo nên sự bùng nổ về nhu cầu, thay đổi thói quen cho khách hàng khi quyết định thuê dịch vụ mà không phải đầu tư hay duy trì hệ thống. Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đang kỳ vọng tỷ trọng về CNTT có thể chiếm tới 50% doanh thu toàn Tập đoàn.
Nói cách khác, Viettel mở đầu cho một hướng đi mới là cho thuê trọn gói dịch vụ CNTT. Đây cũng là một chủ trương lớn mà Viettel sớm đề xuất và triển khai từ cách đây 6 năm tại các cơ quan Nhà nước, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách quốc gia. Một số kết quả đạt được như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho Văn phòng Chính phủ kết nối với 63 tỉnh/thành trên cả nước, Hệ thống Hải quan một cửa Quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử…
Các dự án ứng dụng Viễn thông - CNTT của Viettel được tập trung vào các hệ thống nền tảng như Giao thông, Y tế, Năng lượng, Giáo dục, phục vụ lợi ích của số đông người Việt Nam. Đối với lĩnh vực giáo dục, Viettel triển khai nâng cấp hạ tầng cho các trường học, chuyển từ mạng ADSL trước đây sang kết nối cáp quang miễn phí. Xây dựng hệ thống quản lý nhà trường, học sinh, giáo viên, bài giảng, thi cử và những số liệu giáo dục; nội dung cho phương pháp dạy và học mới.
Trong lĩnh vực Y tế, Viettel tập trung phát triển giải pháp tự động thanh toán bảo hiểm y tế, quản lý y tế cơ sở, khám chữa bệnh điện tử. Hệ thống đảm bảo kết nối liên thông hệ thống thông tin y tế giữa 63 Sở Y tế, 63 Cơ quan BHXH, 1.356 bệnh viện các tuyến, 704 cơ quan bảo hiểm xã quận/huyện, 704 trung tâm y tế huyện, 710 trung tâm y tế cơ quan xí nghiệp và 11.105 trạm y tế xã phường.
Về các giải pháp giao thông thông minh, Viettel hướng tới mục tiêu quản lý hơn 36,6 triệu phương tiện giao thông, trong đó có trên 1,9 triệu xe ô tô và trên 34 triệu xe mô tô, với các sản phẩm tích hợp đồng bộ. Điển hình như hệ thống thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên đường cao tốc và quốc lộ, các dịch vụ giám sát hành trình ô tô (Vtracking), giám sát chống trộm xe máy (SmartMotor)…
Viettel đặt mục tiêu từ năm 2015 - 2020 tạo ra sự bùng nổ lần thứ 2 trong lịch sử ngành Viễn thông - CNTT Việt Nam.
Ictnews.vn