Đối với Viettel, sự tin cậy và hài lòng của khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững!

Đưa Internet Viettel lên đỉnh Trường Sơn

10-06-2016 | TIN TỨC VIETTEL
Tiếng trống tan trường vừa dứt, cô bé Hồ Thị Thanh Huyền ôm chiếc cặp sách trước ngực chạy lon ton về phía cổng, miệng nở nụ cười tươi đầy háo hức: "Mẹ ơi, trường con được nối mạng máy tính rồi, bữa nay thi giải toán qua mạng và học tiếng Anh ngay tại phòng học của trường".

Rất nhiều những khái niệm lạ và mới mà kể từ khi có các chú Viettel về trường lắp mạng, lũ học trò vùng cao mới được nghe nói đến...

Khi Internet vượt núi về trường

Trong ký ức của bà Hồ Thị Đước - một phụ huynh học sinh của trường tiểu học Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), cái tin Internet về trường được dân bản xôn xao kể cách nay vài năm về trước vừa mơ hồ, vừa gần gũi. Suốt mấy chục năm cuộc đời quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên những mảnh ruộng rẫy khô cằn, đến cả việc cầm bút ký cái tên mình không vững nét thì khái niệm Internet nghe chứ chưa chắc bà đã đánh tròn vành rõ chữ. Nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ của các con, nhìn những hàng chữ thẳng tắp trên trang vở ô li, bà hiểu rằng, cái Internet về tới ngôi trường ngay đầu bản sẽ là nhịp cầu nối cho tương lai các con bà đỡ nhọc nhằn hơn. Chỉ cần có thế, bà cũng thấy lòng rộn ràng vui...

Cách đây 2 năm, lần đầu tiên những thầy cô giáo và cô cậu học trò ở trường tiểu học Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đón những cán bộ kỹ thuật Viettel Quảng Trị lên khảo sát địa hình để lắp đặt trạm. Những cô cậu học trò đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có làn da đen nhẻm, ánh mắt thăm thẳm lạ lẫm nhìn những cán bộ kỹ thuật với các dụng cụ khảo sát và lắp đặt đường dây. Tan giờ học, bọn trẻ chạy rồng rắn theo các anh, tụm năm tụm ba đứng xem các anh lắp trạm, kéo dây. Trạm được xây dựng trên ngọn đồi cao, các anh vận chuyển lên đó nào là các thiết bị, máy móc, toàn những thứ mà chưa bao giờ chúng được thấy.

Những cuộn cáp to tròn như cái nong được rải ra, bọn trẻ đứng chỉ trỏ không biết sợi dây dài ấy được kéo đến đâu. Từ nhà trạm đến ngôi trường miền núi ước chừng dài cả cây số, địa hình hiểm trở. Những giọt mồ hôi đổ xuống chưa kịp thấm lưng áo đã khô rang giữa cái nắng hè rát bỏng của núi rừng miền Tây. Nhưng nhìn những ánh mắt trẻ thơ chờ đợi, không ai bảo ai, anh em kỹ thuật vẫn tranh thủ mọi thời gian, vượt qua tiết trời khắc nghiệt để sớm đưa cáp về trường. Rồi sợi cáp sau một tuần ròng rã vượt qua bao nhiêu quãng đường mấp mô của núi rừng, leo lên ngọn cây, luồn qua con suối… cuối cùng cũng về đến… phòng thầy hiệu trưởng - nơi có một chiếc máy tính đã cũ nhưng thầy vẫn dùng để gõ văn bản được.

Công việc cuối cùng cũng hoàn thành, thiết bị gọi là modem được cắm vào máy tính, tín hiệu kết nối mạng bắt đầu. Ngày hôm ấy đúng là sự kiện lớn của các thầy cô giáo và học trò của ngôi trường tiểu học nằm chênh vênh bên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ này. Khi thầy hiệu trưởng run run nhấp tay vào con chuột, cả một thế giới rộng mở được mở ra trước mắt các em học sinh nào là những bài học tiếng Anh, trò chơi thông minh rồi trang web giải toán qua mạng và cả những trang web thông tin hoạt động của các trường ở miền xuôi, thành phố… Khái niệm mạng Internet Viettel được định hình rõ hơn trong hình dung của lũ học trò và cả những phụ huynh như bà Đước.

Đưa miền ngược gần lại với miền xuôi

Ở cái trường miền núi này, sự học bao giờ cũng khó khăn hơn ở đồng bằng. Ngôi trường nằm trên đồi cao, mấp mô, các em học sinh đi học phải vượt qua hàng cây số đường rừng núi, từ bản ra được đến trường phải mất cả giờ đồng hồ đi bộ. Thầy cô giáo thì từ dưới xuôi lên đây dạy học phải “cắm bản” nguyên tuần, có khi là nguyên cả tháng mới về thăm nhà. Từ ngày có Ineternet, lũ học trò vừa đi dọc theo tuyến cáp quang mà các chú Viettel đã kéo hôm nào, vừa nói bao nhiêu chuyện “thời sự” mà Internet đã mang lại. Hôm có Internet về, thầy hiệu trưởng đã thông báo bắt đầu khởi động cuộc thi giải toán qua mạng, rồi học tiếng Anh qua mạng... Rất nhiều những khái niệm lạ và mới mà kể từ khi có các chú Viettel về trường lắp mạng, lũ học trò vùng cao mới được nghe nói đến. Rồi cả những bài học và câu chuyện lịch sử, chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày ở đâu đó, những bài toán hay được thầy cô sưu tầm từ trên mạng mang đến cho những đứa trẻ lần đầu được tiếp cận với cả một thế giới rộng lớn từ Internet. Thích nhất vẫn là vào những giờ thi giải toán qua mạng, lũ học trò được chính thầy hiệu trưởng và các thầy cô giáo chủ nhiệm cho mượn máy tính và trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng, cách đăng nhập để dự thi và cả cách nộp bài thi khi hoàn thành. Dù vào những buổi thi ấy, các em về rất muộn vì phải tranh thủ thời gian nhưng các em vẫn rất hào hứng, phụ huynh cũng vui lây niềm vui của con mình khi đứng lấp ló ngoài cửa sổ nhìn con thao tác dự thi trên máy tính.

Trường được trang bị Internet Viettel nhưng chưa đủ máy tính để cho các em học sinh tiếp cận, đầu năm học 2015-2016, thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng trường tiểu học Hướng Phùng quyết tâm xây dựng một phòng máy tính cho ngôi trường miền núi của mình. Kinh phí trang bị cho phòng máy tính vốn ít ỏi, thầy chạy vạy khắp nơi để kêu gọi hỗ trợ được hơn 10 chiếc máy tính để bàn. Thiếu kinh phí, thầy tính đến chuyện tận dụng những chiếc bàn đã cũ, đi mua lại những chiếc ghế nhựa cũ để giúp cho các em học sinh có một chỗ ngồi ngay ngắn, vừa tầm với cái máy tính. Giờ thì một phòng máy tính với khoảng 15 chiếc máy tính có kết nối Internet Viettel đã được đưa vào sử dụng. Các cán bộ kỹ thuật Viettel cũng về kéo thêm cho trường thêm đường truyền cáp quang nữa.

Thế là hệ thống Wi-Fi Viettel đã được phủ kín trường, ngồi ngoài sân trường, các thầy cô giáo cũng có thể truy cập Internet để dạy cho học sinh. Một thế giới kiến thức rộng lớn đang mở ra trước mắt những đứa trẻ được sinh ra dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ vốn trước kia chỉ biết đến núi rừng, con suối và ngôi nhà sàn. Em Dương Công Minh Kỳ, học sinh lớp 5 háo hức kể: “Từ khi có phòng học máy tính nối mạng, giờ học của tụi em không chỉ bó gọn trong sách giáo khoa, mà những kiến thức rộng lớn từ internet được thầy cô hướng dẫn cho các em cách tra cứu, sử dụng”. “Vui nhất là em có thể nhìn thấy nhiều vùng miền khác mà không phải đi xa nhà sàn của bố mẹ”, đứng cạnh Kỳ, em Linh San nói thêm.

Có lẽ niềm hạnh phúc với những người công tác trong tập đoàn Viettel, không có gì khác và không ở đâu khác chính là khi đem đến niềm vui và hạnh phúc cho người khác ở những bản làng xa xôi cách trở.

Vỹ thanh

Hôm đoàn công tác Viettel trở lại Hướng Phùng, đón đoàn tận cổng, thầy Trọng vui vẻ nói: “Kể từ khi Internet Viettel đến với ngôi trường này, thầy trò trường tiểu học Hướng Phùng như được mở ra một thế giới mới. Các thầy cô giáo có cơ hội để tìm tòi, nghiên cứu các bài giảng hay trên mạng, giao lưu với nhiều giáo viên ở miền xuôi, thành phố; các em học sinh dân tộc thiểu số được tiếp cận với kho kiến thức phong phú hơn”. Dẫn đoàn tham quan phòng máy tính, thầy Trọng kể: “Bây giờ nhà trường mở luôn cả lớp học tin học cho các em có nguyện vọng đăng ký ở đây. Rồi các em thi giải toán qua mạng, học tiếng Anh qua mạng cũng học ở đây. Trước đây thầy cô giáo toàn phải đưa học sinh về nhà mình hoặc lặn lội xin thi nhờ ở các hộ gia đình ở ven đường Hồ Chí Minh có nối mạng”. “Trường đã xây dựng được một trang web của mình, có hệ thống quản lý riêng, 44 con người cùng làm việc trên một trang thông tin như thế, hàng ngày cập nhật, đăng tải các hoạt động của thầy và trò. Rồi cũng từ mạng Internet mà mình lên Facebook, kết nối được nhiều doanh nhân, nhà hảo tâm để xin nguồn hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập cho các em… thuận tiện lắm”, thầy Trọng trải lòng.

Chia tay thầy trò trường Tiểu học Hướng Phùng, giữa chiều, cái nắng rát bỏng vẫn chao chát dội xuống núi rừng miền Tây. Nhìn những đứa trẻ dân tộc Vân Kiều say mê bên chiếc máy tính với những bài toán trên mạng, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, chợt thấy lòng dạt dào niềm vui đến lạ. Có lẽ niềm hạnh phúc với những người công tác trong tập đoàn Viettel, không có gì khác và không ở đâu khác chính là khi đem đến niềm vui và hạnh phúc cho người khác ở những bản làng xa xôi cách trở. Hướng Phùng là một ví dụ điển hình!

Ictnews.vn