Đối với Viettel, sự tin cậy và hài lòng của khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững!

Bảo trì cáp AAG trong 5 ngày, khách hàng Viettel, NetNam, CMC không bị ảnh hưởng

27-06-2016 | TIN THỊ TRƯỜNG
Đại diện Viettel, NetNam và CMC Telecom đều khẳng định các khách hàng của doanh nghiệp mình sẽ không bị ảnh hưởng trong thời gian 5 ngày tuyến cáp quang biển AAG được bảo trì, từ 23h ngày 22/6 đến 27/6/2016.

Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG nhánh S1 kết nối từ Hồng Kông đi Malaysia sẽ được bảo trì trong thời gian 5 ngày, bắt đầu từ 23h ngày 22/6/2016 đến ngày 27/6/2016 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trao đổi với ICTnews, đại diện 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet hiện có sử dụng tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) gồm Viettel, NetNam và CMC Telecom đều xác nhận việc đã nhận được thông báo của đơn vị quản lý AAG về kế hoạch bảo trì tuyến cáp này tại nhánh S1 kết nối từ Hồng Kông đi Malaysia bắt đầu từ 23h ngày mai (22/6) và dự kiến hoàn tất công tác bảo trì vào ngày 27/6/2016.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc NetNam cũng nhận định, hiện một phần lớn lưu lượng quốc tế Internet của Việt Nam vẫn sử dụng tuyến cáp AAG với lý do dung lượng lớn và chi phí thấp. Trong khi một số tuyến cáp quang biển khác như APG bị trễ tiến độ, đồng thời nhu cầu lưu lượng Internet liên tục tăng, do đó Internet Việt Nam không có cách nào khác là vẫn phải sử dụng tuyến cáp AAG này.

“Khi AAG phải dừng để sửa chữa và bảo trì, chắc chắn chất lượng Internet nói chung của Việt Nam bị ảnh hưởng. Các nhà mạng sẽ phải định tuyến lại và mở các hướng ứng cứu, dẫn đến trong đoạn đầu nhiều người dùng sẽ thấy mạng chậm hoặc không ổn định. Sau một vài ngày khi lưu lượng chạy ổn định thì người dùng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn”, ông Bình chia sẻ.

Còn theo đại diện Viettel, đơn vị quản lý tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã dự định tiến hành bảo trì, sửa chữa từ tháng 5/2016 nhưng bị trì hoãn tới thời điểm này. Nhà mạng này cho rằng trong thời gian bảo trì sửa chữa tuyến cáp quang biển AAG, lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel… đang hoạt động trên tuyến Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ đều bị ảnh hưởng nếu không có kế hoạch dự phòng.

Đại diện Viettel cho biết, để đảm bảo duy trì kết nối dịch vụ cho khách hàng, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) đã kịp thời lên kế hoạch thực hiện bổ sung lưu lượng dự phòng qua hướng cáp quang biển Liên Á (IA) theo hai hướng đi Hồng Kông và Mỹ triển khai trong ngày 20/6/2016 và hoàn thành trước 22/6/2016. Như vậy, tổng lưu lượng toàn mạng được nâng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu dịch vụ của khách hàng trong giờ cao điểm. Ngoài ra, lực lượng kỹ sư của VTNet thực hiện giám sát online 24/7, kịp thời điều chỉnh lưu lượng để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. "Vì vậy, đối với Viettel, việc sửa chữa bảo trì tuyến cáp quang biển AAG không ảnh hưởng đến các giao dịch, trao đổi thông tin, kết nối Internet trong nước và quốc tế, các khách hàng của Viettel không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lịch bảo trì này", đại diện Viettel cho hay.

Viettel đang đầu tư thêm 2 tuyến cáp quang mới cùng với các nhà mạng lớn khác đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway, chiều dài hơn 11.000km và băng thông khoảng 4Tbps, nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ) và tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1, chiều dài 25.000km) nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi.

Đến thời điểm hiện tại, Viettel là doanh nghiệp viễn thông Việt Nam duy nhất tham gia đầu tư vào tuyến cáp AAE1. Dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2016, các tuyến cáp mới này sẽ nâng tổng số đường trục quốc tế của Viettel lên 6 đường trục (AAG, IA, 2 hướng đi qua Trung Quốc, APG và AAE1), giúp nâng cao chất lượng kết nối Internet đi quốc tế của Việt Nam, đặc biệt đảm bảo dịch vụ cho khách hàng khi tuyến AAG gặp sự cố hoặc ngừng hoạt động.

Đối với NetNam và CMC Telecom, đại diện lãnh đạo 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet này đều cho biết, do tuyến cáp AAG kể từ khi đi vào hoạt động rất hay bị gián đoạn để sửa chữa do dự cố hoặc bảo trì nên các nhà mạng đã có động thái nhằm giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp AAG.

Với NetNam, theo ông Vũ Thế Bình, việc triển khai giảm phụ thuộc vào tuyến cáp quang biển AAG đã được triển khai từ cách đây 2 năm. Đến nay, lưu lượng Internet của khách hàng NetNam không đi qua hướng cáp biển AAG nữa. Hiện NetNam chỉ dùng hướng cáp AAG làm phương án dự phòng số 2, chỉ dùng đến khi phương án dự phòng số 1 có sự cố. Lưu lượng Internet của khách hàng NetNam hiện đi theo các hướng cáp đất liền (biên giới phía Bắc, quá cảnh tại HongKong), cáp biển IA (quá cảnh tại HongKong và Singapore) và một phần các hướng khác như SMW3 và biên giới Tây Nam (quá cảnh tại Singapore).

Tương tự, đại diện CMC Telecom cũng nhấn mạnh, do tuyến cáp AAG nhiều lần bị sự cố từ khi vận hành đến nay, CMC Telecom đã không sử dụng nhiều dung lượng quốc tế qua hướng AAG, chuyển bớt dung lượng sang các tuyến cáp trên đất liền và tuyến cáp quang biển khác. Thời điểm hiện tại, dung lượng qua AAG chỉ chiếm khoảng 8% tổng dung lượng quốc tế của CMC Telecom, giảm 50% so với hồi tháng 6 năm ngoái.

“Việc bảo trì tuyến cáp AAG trong 5 ngày sắp tới chắc chắn không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ CMC cung cấp tới khách hàng, đặc biệt là các khách hàng doanh nghiệp là khối khách hàng cốt lõi của Công ty”, đại diện CMC Telecom khẳng định.

AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California). Có bốn nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư vào dự án này là Viettel, VNPT, FPT Telecom và SPT. Kể từ khi được khai trương và đưa vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố khiến việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn, thậm chí có thời điểm rất khó để tiến hành giao dịch.

Ictnews.vn