Đối với Viettel, sự tin cậy và hài lòng của khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững!

Mạng 4G LTE sẽ "kích cầu" việc sử dụng mạng IPv6

10-05-2016 | TIN THỊ TRƯỜNG
Ông Vũ Thế Bình, TGĐ Công ty Netnam cho rằng, mạng 4G LTE sẽ thúc đẩy lượng sử dụng địa chỉ IPv6 ở Việt Nam trong thời gian tới vì buộc doanh nghiệp nội dung phải chuyển đổi sang IPv6 để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Mạng 4G LTE, dịch vụ mạng chạy hoàn toàn trên nền IPv6, sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng IPv6 ở Việt Nam.

Tỷ lệ người dùng IPv6 thấp vì doanh nghiệp còn “chờ”

 Theo báo cáo của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tại hội thảo “Hành động quốc gia về IPv6 - Chung tay cung cấp dịch vụ tới người sử dụng” tại Hà NộI, thống kê của  Trung tâm mạng Châu Á – Thái Bình Dương APNIC cho thấy, tỷ lệ sử dụng IPv6 của Việt Nam mới chỉ đạt 0,03%, chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và Philippines. Còn theo số liệu của Google thì tỷ lệ người dùng IPv6 ở Việt Nam ở mức 0,13%. Qua đó cho thấy, tỷ lệ người sử dụng IPv6 ở Việt Nam còn quá thấp và lưu lượng thực tế sử dụng IPv6 vẫn chưa đáng kể.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm VNNIC cho biết, công nghệ hiện tại không phải là vấn đề đối với việc triển khai IPv6 khi mà các thiết bị đầu cuối cơ bản đều đã hỗ trợ IPv6. “Việc trì trệ chuyển đổi IPv6 chủ yếu là do thói quen và cách nhìn nhận của doanh nghiệp về vấn đề triển khai IPv6”, ông Tân nói.

 Từ đó, doanh nghiệp nội dung nói chờ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet (ISP) cung cấp kết nối IPv6 để chuyển đổi, doanh nghiệp ISP lại nói chờ doanh nghiệp nội dung cung cấp mới triển khai thực hiện. Lý giai điều này, ông Tân cho rằng, các doanh nghiệp có tâm lý “chờ” là do ngại thay đổi. Bởi vì, việc chuyển đổi sang IPv6 sẽ khiến doanh nghiệp ISP phải thiết lập lại cấu hình, đào tạo nhân viên kĩ thuật hay điều chỉnh kĩ năng bán hàng đến người dùng cuối.

Đối với các doanh nghiệp nội dung, ông Tân cho rằng các doanh nghiệp này hiện mới chỉ chủ yếu quan tâm đến việc sản xuất nội dung mà không để ý rằng việc triển khai công nghệ IPv6 sẽ giúp truy cập nhanh hơn, tiết kiệm pin hơn cho người dùng.

“Các doanh nghiệp không biết rằng nếu triển khai IPv6 ngay trong giai đoạn này thì sẽ đem lại lợi thế cho doanh nghiệp mình với khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động hành động, không chờ đợi”, ông Tân cho biết thêm.

Đến 2018 mới chuyển đổi IPv6 trên hệ thống báo Vnexpress, Ngoisao.net

Ông Nguyễn Văn Ngọc, quản lý bộ phận nội dung số FPT Online cho biết, theo lộ trình chuyển đổi của FPT Online, trong năm 2016, đơn vị này đã chuyển đổi thử nghiệm các dịch vụ nhỏ như trang web chính thức của công ty ở địa chỉ fptonline.net. Còn sang đến năm 2017, hệ thống báo Ione và gGmethu sẽ  được chuyển đổi sang IPv6. “FPT Online sẽ theo dõi và đánh giá kết quả chuyển đổi trước khi triển khai trên 2 báo lớn nhất của công ty là Vnexpress.net và Ngoisao.net vào năm 2018”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Giải thích cho lộ trình này, ông Ngọc cho rằng hiện thiết bị đầu cuối chưa hỗ trợ đầy đủ IPv6,  độc giả của hệ thống báo của FPT Online sử dụng các thiết bị đời cũ khá nhiều nên đơn vị này vẫn sẽ phải chạy IPv4 để phục vụ. Ngoài ra, các đối tác thứ 3 của báo như các dịch vụ thanh toán điện tử, quảng cáo vẫn sử dụng IPv4 nên nếu chuyển đổi sang IPv6 thì các dịch vụ này sẽ không sử dụng được. “Chúng tôi phải xem xét nhu cầu của người sử dụng và thử nghiệm để tránh rủi ro cho hệ thống báo”, ông Ngọc nói.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Netnam cho biết, các doanh nghiệp nội dung lớn của thế giới như Google, Facebook, Akamai đều đã bật hệ thống IPv6 từ năm 2012 và tăng gấp đôi lưu lượng IPv6 sau mỗi năm. Hiện lưu lượng từ IPv6 của Google đã chiếm khoảng 10% tổng lưu lượng của nhà cung cấp này. “Đến năm 2018 dự báo rằng lưu lượng chính truy cập Internet của thế giới sẽ đến từ các địa chỉ IPv6”, ông Bình nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân của việc tăng trưởng rất nhanh của mạng IPv6 trên thế giới, ông Bình cho rằng đến từ việc đồng bộ giữa nội dung và thiết bị đầu cuối. Cụ thể, sau khi các nhà cung cấp nội dung lớn cung cấp dịch vụ trên nền IPv6, nhà mạng Verizon của Mỹ cung cấp dịch vụ 4G LTE, dịch vụ mạng hoàn toàn chạy trên nền địa chỉ IPv6 . Khi đó, lượng sử dụng IPv6 của Mỹ đã đứng đầu thế giới, vì dịch vụ 4G LTE đã “kích cầu” việc sử dụng IPv6. “Người sử dụng muốn dùng 4G LTE thì phải nâng cấp thiết bị mới còn nhà cung cấp nội dung thì buộc phải chuyển đổi IPv6 để đáp ứng yêu cầu khách hàng”, ông Bình kết luận.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng, lý do khiên các doanh nghiệp ISP chậm triển khai chuyển đổi IPv6 chủ yếu đến từ đầu tư chi phí lớn cho thiết bị đầu cuối, thiết bị lõi… trong khi chưa có sức ép lớn từ việc hết địa chỉ IPv4. Còn với doanh nghiệp nội dung, khác với Google, Facebook có trung tâm dữ liệu, hệ thống kết nối mạng riêng, các doanh nghiệp nội dung Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào các ISP, trong đó có việc chuyển đổi sang IPv6. “Đó là lý do doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động trong việc chuyển đổi sang IPv6 do họ chưa thấy nhiều lợi ích nhưng lại tốn rất nhiều chi phí”, vị chuyên gia này giải thích.

Ictnews.vn