Đối với Viettel, sự tin cậy và hài lòng của khách hàng chính là khởi nguồn cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững!

Công nghệ mới giúp Wi-Fi nhanh gấp 3 lần

26-08-2016 | TIN THỊ TRƯỜNG
Wi-Fi quá yếu là một trong những bất tiện lớn nhất khi sử dụng các thiết bị công nghệ. Loại công nghệ mới ra đời này sẽ giúp cải thiện vấn đề trên.

Các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ MIT (Mỹ) vừa tìm ra phương pháp mới giúp mạng Wi-Fi nhanh hơn gấp 3 lần, theo Gizmodo.

Công nghệ có tên MegaMIMO 2.0 này được phát triển tại phòng Khoa học Vi tính và Trí tuệ Nhân tạo (CSAIL) thuộc Viện công nghệ MIT. Không chỉ giúp tăng tốc độ Wi-Fi nhanh gấp 3 lần, MegaMIMO 2.0 còn mở rộng phạm vi phủ sóng Wi-Fi lên gấp đôi.

Dựa trên nền tảng công nghệ MIMO đang được sử dụng trên các bộ định tuyến không dây, công nghệ này hoạt động bằng cách truyền đi nhiều tín hiệu dữ liệu qua cùng một kênh sóng radio để tăng tốc độ truyền tải thông tin.

MegaMIMO 2.0 đã khéo léo kết nối các điểm truy cập với nhau để truyền đi trên cùng một tần số và quang phổ giới hạn, nhằm tăng tốc độ và cường độ mà không làm giảm chất lượng tín hiệu. Theo các nhà nghiên cứu, điều này giúp tăng tốc độ Wi-Fi nhanh hơn gấp 3 lần hiện nay.

MegaMIMO 2.0 giúp Wi-Fi nhanh hơn 10 lần so với công nghệ MIMO point-to-point  như hiện nay. Ảnh: BGR.

Điều này không hề giống với việc đặt hai hay ba bộ router trong nhà. Nhiều điểm kết nối cùng truyền tín hiệu trên cùng một tần số sẽ gây ra hiện tượng nhiễu sóng, gây khó khăn cho thiết bị giải mã các dòng dữ liệu.

Bước đột phá của nhóm nghiên cứu CSAIL nằm ở chỗ, nhóm này đã tạo ra thuật toán mới cho phép xử lý nhiễu sóng có thể gây ra từ việc đặt nhiều điểm truy cập trên cùng tần số.

Hơn nữa, việc có nhiều bộ định tuyến không dây truyền thông tin cùng một lúc sẽ giúp nhiều dòng dữ liệu được truyền tải trong cùng một thời điểm.

Nhóm CSAIL đã tóm tắt cách hoạt động của MegaMIMO 2.0 là “gửi đi cùng một tần số trong cùng một lúc”.

Theo Forbes, MegaMIMO 2.0 đã được thử nghiệm với 4 máy phát sóng độc lập trong cùng một khu vực và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhóm nghiên cứu CSAIL đang tìm cách để thương mại hóa công nghệ này trong tương lai không xa.

ictnews.vn